Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

4 NGÀY, SÂN GA VÀ…

      


Có một sự kết nối hữu hình mà ít ai chú ý: những đoàn tàu ngày đêm đi qua đây, vượt nhiều sông suối, rồi cuối cùng cũng có lúc vang tiếng còi tàu ở sân ga quê nhà. Những người con Chúa cũng vậy, dù có đi bốn phương trời, dù ở bất kỳ Hội Thánh nào, họ vẫn luôn được kết nối trong tình yêu của Ngài…

Ngày thứ nhất:
Về quê nghỉ được mấy ngày, Nhật khám phá ra rằng, nhà ngoại ở gần một sân ga khá vắng vẻ. Vắng vẻ vì nó chỉ là ga tránh tàu chứ không phải đón khách, chính vì vậy, hiếm khi mới có một đoàn tàu dừng chân tại nơi này.

Sân ga có đến ba đường ray, ở giữa chúng là một lối đi bằng bê-tông rất lớn, kéo dài gần như từ đầu đến cuối nhà ga. Buổi sáng, không khí nơi đây thật là mát mẻ, trong lành, chính vì vậy Nhật cũng thường ra đây để tập thể dục.

Được đi, chạy nhảy giữa đất trời bao la trong sương sớm thật là tuyệt, đôi lúc Nhật cứ tưởng mình đang ở một thế giới khác, bởi trong cái không gian yên tĩnh này, tất cả mọi vật dường như đang được đổi thay, biến hóa. Cái ồn ào thường ngày đã không còn, thay vào đó là những tiếng gió nhẹ như đang lang thang trên từng ngọn cây, thỉnh thoảng, một tiếng gà gáy vang, như báo với mọi người, đêm đã dần qua. Chính ở trong không gian ban mai buổi sớm như vậy, Nhật thấy đất trời như gần lại, những lo toan cuộc sống hầu như đã biến mất ở một góc nào đó, cái còn lại là sự khoan khoái, nhẹ nhàng, thanh tịnh, một cảm giác bình yên lạ lùng. Sáng nay, cũng như mọi ngày, Nhật ra tập thể dục ở sân ga rất sớm. Phía đầu kia, cũng có một cô bé đang đi ngược chiều với Nhật. Chắc là từ đâu mới đến, Nhật nghĩ thầm, bởi những người ở đây, Nhật cũng đều biết, bởi vỏn vẹn chỉ có vài ba gia đình mà thôi.

Cô gái dáng người nhỏ, tóc dài, dáng người có vẻ khỏe khoắn, nước da hơi ngăm. Tự tin và dễ nhìn, đó là những cảm nhận đầu tiên khi Nhật nhìn thấy cô bé. Hai người gặp nhau ở giữa sân ga. Lần đầu, Nhật chỉ nhìn, vâng chỉ dám nhìn thôi,… Cô gái thì nhoẻn miệng cười rất vô tư. Lần thứ hai, Nhật mạnh dạn cất tiếng:
- Chào buổi sáng. Nghe có vẻ sáo quá, nhưng thật tình cũng không biết nói thế nào nữa.
Cô gái chào lại. Tự nhiên, Nhật nghĩ, sao mình không đi cùng chiều, để nói chuyện cho vui.
- Bạn mới tới đây hả?
- Dạ, em mới tới hôm qua.
Nghe giọng nói, giống như vùng Nam Trung Bộ.
- Ở Khánh Hòa phải không?
- Dạ không, em ở Phú Yên.
- Phú Yên, sao lại vào tận đây.
- Thì em đi công việc, việc riêng thôi.
Nhật làm quen:
- Mình tên Nhật, bạn tên gì?
- Em là Nhật Linh.
-          Ồ sao trùng hợp vậy?
- …
- Vì mình là Linh Nhật. 
- Thật không?
- Nói đùa đấy, nhưng cũng gần giống: Minh Nhật, “minh” với “linh” cũng không xa gì.

Cả hai cùng cười, rồi lại im lặng, cứ tiếp tục bước đi, Nhật lại mong cho thời gian đi chậm hơn thường ngày, dẫu gì thì hôm nay cũng đặc biệt hơn, có thêm một người bạn cùng đường… Và dĩ nhiên trước khi chia tay, họ cũng đã kịp hẹn nhau, sáng mai gặp nhau trong buổi tập thể dục.



Ngày thứ hai: 
Buổi sáng thật là đẹp, và vui nữa chứ, vì Nhật mới ra sân tập thì đã thấy Nhật Linh rồi. Hôm qua, biết được Nhật Linh cũng là tín hữu tại Phú Yên nên Nhật rất mong được gặp lại sáng nay. Hai người nói chuyện như là quen biết đã lâu. Nhật Linh chỉ vào một lỗ tường bên cạnh đường tàu:
- Anh thấy gì không?
- Có gì đâu?
- Cái hốc đó.
- Thì sao?
- Nó giống như một hộp thư bí mật. Ước gì một sáng nào đó, mình ra tập thể dục, có ai tặng cho mình một món quà để trong đó…
-  Tưởng tượng cũng giỏi nhỉ?
- Ờ, thì đôi khi cũng phải mơ mộng một chút, mà anh có thấy nó giống hộp thư không?
Nhật nhìn đi nhìn lại, thì cũng hơi giống giống, chút xíu thôi. Con gái thật là mơ mộng.
- Ờ, có chút xíu.
- Sao lại chút xíu, giống nhiều đó. Ở Hội Thánh em cũng có cái hộp thư bí mật như vậy. Lâu lâu tụi em hay gởi quà tặng cho nhau.
- Nhưng nếu đã bí mật thì làm sao người ta biết mà đến lấy.
- Thì nhắn tin chứ. Nhật Linh cười ra vẻ khoái chí khi thấy Nhật thắc mắc. Cái cô bé này thật…

Nhật Linh bỗng hỏi:
- Anh là người ở đây hả?
- Quê ở đây thôi.
- Anh có quen ai ở Vĩnh Long không?
- Từ đây xuống Vĩnh Long xa lắm mà. Nhưng có gì không?
- Em cần xuống Vĩnh Long, nếu có người quen, hỏi thăm thì dễ…
- Hội Thánh nào vậy?
- Hội Thánh An Lạc Tây.
- Vậy à, vậy thì mình biết.

Và rồi, Nhật chỉ đường cho người bạn mới quen một cách cụ thể. Mùa hè vừa qua, Nhật được về Vĩnh Long thăm một người bạn, nhà ở Hội Thánh An Lạc Tây, gần bờ sông. Nhà thờ tuy nhỏ nhưng sinh hoạt rất vui, người miền Tây thì ai cũng vậy, nhiệt tình và rất thân thiện, chính vì vậy, dầu ở cả mười ngày, nhưng Nhật vẫn thấy thoải mái, tự nhiên như ở nhà.

Thế rồi, Nhật Linh kể cho Nhật nghe chuyện mình vì sao phải xuống Vĩnh Long. Thì ra Nhật Linh chính là thành viên của Ban Thanh niên một Hội Thánh tại Phú Yên, Trong một chương trình truyền giảng, bạn đã làm chứng cho một thân hữu tin nhận Chúa. Tuy nhiên, người này đã về lại Vĩnh Long. Hôm nay, Nhật Linh xuống Vĩnh Long để nhờ Hội Thánh chăm sóc giúp.

Nhật Linh nói:
- Vậy có thể trưa nay em sẽ xuống Vĩnh Long.
- Đi liền vậy hả?
- Tranh thủ mà anh, còn về mà đi làm nữa, em xin nghỉ có mấy ngày thôi.
- Vậy chúc đi may mắn nhé. Đường đi cũng xa lắm đó.
- Cám ơn anh nhiều.

Vậy là hôm nay Nhật Linh đi Vĩnh Long. Cũng can đảm lắm, vì dám đi một mình đến một nơi xa lạ. Nhưng thật ra cũng đâu có gì mà xa lạ, bởi ở đâu có Hội Thánh Chúa, thì ở đó có những người anh em mình mà. Nhật thầm nguyện cho chuyến đi của Nhật Linh thành công, gặp được người bạn mới của mình.

Ngày thứ ba:
Buổi sáng, Nhật đi tập thể dục, vẫn không thấy Nhật Linh, chắc là chưa về. Sân ga hình như vắng vẻ hơn mọi ngày, mặc dầu chẳng có gì thay đổi. Ở một góc kia, mấy cây bàng đang đung đưa những chiếc lá vàng trên bầu trời đang dần sáng. Đúng là có bạn thì khác hẳn, hôm nay đi tập một mình, Nhật thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Sân ga hình như rộng hơn, con đường cũng có vẻ dài hơn mọi lần và thời gian cũng trôi qua thật chậm.

Nhìn sân ga, Nhật lại nhớ đến quê nhà, cũng ở gần một sân ga như vậy. Có một sự kết nối hữu hình mà ít ai chú ý, những đoàn tàu ngày đêm đi qua đây, qua nhiều sông suối, rồi cuối cùng cũng có lúc vang tiếng còi tàu ở sân ga quê nhà. Những người con Chúa cũng vậy, dù có đi bốn phương trời, dù ở bất kỳ Hội Thánh nào, họ vẫn luôn được kết nối trong tình yêu của Ngài…

Buổi chiều, Nhật nhận được tin nhắn của Nhật Linh: “Em đã về, chuyến đi thành công, đã giới thiệu tín hữu mới cho Hội Thánh. Ngày mai, nhớ đi tập thể dục nhé!”

Ngày thứ tư:
…Đằng kia, những dãy nhà chung quanh sân ga như vẫn còn ngái ngủ trong sương sớm, khi ánh nắng ban mai còn lang thang ở dưới chân trời, tất cả đều im lìm như những bóng dáng của một ngày đã đi qua, để rồi khi ánh bình minh chợt về, chúng lại sáng lên, mới mẻ hơn và sinh động hơn như chuẩn bị cho một ngày vừa đến. Ngày mới bao giờ cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị, đẹp đẽ mà.

Sân ga thường ngày vẫn vắng, nhưng sao hôm nay lại vắng vẻ hơn. Mấy anh chị công nhân viên ở ga vẫn chưa ngủ dậy, cũng không nghe tiếng gà gáy sớm như mọi khi nữa. Nhật đi tập thể dục mà tâm trí cứ mênh mang ở đâu ấy. Thỉnh thoảng, Nhật lại nhìn vào cái hẻm nhỏ phía cuối sân ga, xem thử người bạn của mình có xuất hiện không, vậy mà vẫn không thấy.

Chờ mãi, vẫn không thấy Nhật Linh ra tập thể dục như thường ngày. Hay là cô nàng dậy trễ, Nhật cứ nghĩ thầm như vậy.
Rồi tự nhiên Nhật nhớ đến cái “hộp thư” của Nhật Linh, hay là mình sẽ viết vài dòng để vào đó, nói với bạn là sáng nay mình chờ mãi mà không thấy Nhật Linh ra. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Nhật vẫn phân vân, không biết như vậy có “tự nhiên” quá không. Nhưng dù gì thì cũng nên thông báo một tiếng, nhất là hôm qua, Nhật Linh đã hẹn với Nhật là sáng nay ra tập thể dục rồi mà.

Bước đến chỗ hòm thư, Nhật chợt thấy trong đó có một gói giấy, buộc một sợi dây nylon màu vàng một cách cẩn thận. Nhật mở ra, hóa ra là một cuốn sách của, “Bức Tranh Lớn Của Đức Chúa Trời” của Vaughan Roberts. Bên trong, có mấy chữ: “Hôm nay NL về lại Phú Yên, không kịp tạm biệt. Tặng anh cuốn sách mà em ưa thích, đọc đi nhé. Hẹn gặp!”

Cầm cuốn sách, Nhật thấy cũng vui vui, nhưng cũng hơi buồn, vậy là đã xa một người bạn dễ mến vừa mới quen. Phú Yên, chắc cũng không nhiều Hội Thánh lắm, và nếu nhiệt tình, cũng không khó để tìm Nhật Linh đâu.


Và cũng có thể, biết đâu đó, vài ngày nữa, Nhật sẽ có một chuyến đi ra miền Trung… Chắc sẽ là một chuyến đi đầy thú vị.

CHIẾC CA INOX CŨ

  
“Ngày nọ, Thầy Truyền đạo nói với mấy đứa nhỏ:
-        Mình nhóm lại cũng đã lâu, các con đã hiểu biết lời Chúa tương đối rồi. Hôm nay, Thầy muốn các con nghĩ đến việc phải làm sao để có được một ngôi nhà nguyện cho riêng mình, không thể cứ nhóm ngoài trời, mượn nhà của người khác được.
-        Xây nhà nguyện, đứa nào cũng tỏ ra thích thú. Bọn chúng là những đứa trẻ lang thang, không còn người thân thích, chúng là đủ nghề, bán báo, đánh giày… để kiếm sống. Chúng được Thầy Truyền đạo làm chứng và hướng dẫn nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi chiều Chúa nhật. Ngôi nhà nguyện, đúng là một mơ ước chung của tất cả bọn trẻ. Bỗng một đứa hỏi:
-        Thưa Thầy, nhưng tụi em làm gì có tiền để mà xây nhà nguyện?
-        Các em phải có niềm tin vào sự quan phòng của Chúa, nhưng trước hết, các em phải biết dâng hiến, để thể hiện tấm lòng của mình, Thầy tin chắc rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta.
Thế rồi cả bọn cùng nhau dâng hiến. Đứa nhiều, đứa ít, nhưng tất cả là những gì mà chúng đã để dành bấy lâu nay. Một đứa ngập ngừng nói với Thầy Truyền đạo:
-        Em không có tiền vậy, em không dâng được không Thầy?
-        Cũng được, nhưng em không nhớ lời bài Thánh Ca 374 sao: Mau dâng cho Chúa bao điều tốt nhất, thời thanh xuân luôn cả năng lực…
-        Vậy em có 3 viên bi mà em rất quí, em dâng cho Chúa được không?
Thầy Truyền đạo hơi bất ngờ, suy nghĩ một lác rồi ông nói:
-        Cũng được, Chúa sẽ chấp nhận tấm lòng của em.
Mấy đứa trẻ còn lại, tuy không dám cười, đứa nào cũng cố nín vì cái vẻ ngây ngô của bạn mình. Làm sao có thể xây dựng nhà nguyện với chỉ 3 viên bi.

Sáng Chúa nhật tuần sau, Thầy Truyền đạo chia sẻ giữa Hội Thánh về nhóm trẻ mà thầy đang phụ trách. Chúng đang có nhu cầu xây dựng nhà nguyện và đã dâng được một ít tiền và… 3 viên bi. Cả Hội Thánh ai nấy cũng buồn cười, có người lại nghĩ Thầy Truyền đạo nói vui. Tuy nhiên, thầy vẫn bình tỉnh, nói về nhu cầu của các em và xin Hội Thánh cầu nguyện cho các em. Bỗng phía dưới, có bàn tay dơ lên:
-        Tôi xin mua lại 3 viên bi đó với giá một trăm ngàn đô la được không?
Cả Hội Thánh sửng sốt, người mua là một người giàu có, nhưng kín tiếng.

Cuối cùng, ngôi nhà nguyện của đám trẻ đã được xây xong và người ta gọi đó là “Nhà thờ Ba viên bi”, bởi ba viên bi đó đã được dâng lại cho nhà thờ và được đặt trong một chiếc hộp gương xinh xắn để hằng ngày, mọi người có thể chiêm ngưỡng nó, và cảm nhận được phép lạ, quyền năng của Đức Chúa Trời đã làm trên con dân Ngài, những tấm lòng trong trắng, ngây thơ của những đứa trẻ nghèo…”
Thầy Truyền đạo phụ trách vừa kể xong câu chuyện, bọn trẻ đều im lặng. Hoàn cảnh của chúng cũng không khác mấy đứa kia mấy, cũng mồ côi, cũng là trẻ em vô gia cư, và cũng đang khát khao có một nơi nhóm lại tươm tất.
-        Hôm nay, Thầy cũng giống như vị Truyền đạo trong câu chuyện, muốn mấy em nghĩ đến việc chúng ta sẽ xây dựng một nhà nguyện cho riêng mình, và chúng ta cũng bắt đầu bằng việc dâng hiến, các em hãy dâng bằng chính tấm lòng biết ơn Chúa của mình.
Sau khi các bạn dâng tiền, Tuấn nói với Thầy Truyền đạo:
-        Em có một cái này, muốn dâng cho Chúa, để mong Chúa làm phép lạ như bạn trong câu chuyện.
-        Cái gì vậy?
-        Dạ, cái ca bằng inox. Đây là kỷ vật của ba em để lại, ba quí nó lắm, nhưng em không hiểu vì sao. bởi nó đã bị lủng. Hôm nay, em cũng xin dâng cho Chúa, cầu xin Chúa làm phép lạ để chúng em mau có tiền làm nhà nguyện.
Thầy Truyền đạo khá lúng túng. Câu chuyện mà ông vừa kể, chẳng qua là ông nghe một vị Tôi tớ Chúa thuật lại trong bài giảng, chẳng biết nó có thật hay không. Hôm nay, ông kể lại để khích lệ tinh thần của bọn trẻ, hóa ra nó làm thật. Bây giờ, ông cũng không biết giải thích thế nào, và chỉ biết thầm  nguyện với Chúa, nghe lời cầu xin của ông và của đám trẻ, và biết đâu, điều kỳ diệu nào đó lại xảy ra.
Ông cầm cái ca inox trong tay, nhìn ánh mắt sáng ngời của Tuấn mà cũng thấy vui vui. Trẻ em có khác, ngây thơ và trong sáng, đúng như lời Chúa nói: “…Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. ” (Mac 10:14). Đúng là cái ca này không thể làm gì được bởi nó đã bị lủng, móp méo, nhưng nguyên nhân vì sao thì ông không thể biết, nhất là tại sao ba của Tuấn lại quí nó. Nghe Tuấn nói, ông gìn giữ nó rất cẩn thận và nói với ông, con hãy giữ kỹ cái ca này, vì nó là kỷ niệm của đời ba. Tuấn trân trọng điều đó, và cho đến bây giờ nó vẫn giữ lấy cái ca, cho dù thời gian trôi qua đã lâu.

Chúa nhật tuần sau đó, ông báo cáo với Hội Thánh về chuyện của đám trẻ. Mọi người cũng tỏ ra cảm động với những gì đã xảy ra, nhưng không có một bàn tay nào đưa lên… Thầy Truyền đạo buồn lắm, ông biết, vẫn có khoảng cách giữa những câu chuyện giáo dục và thực tế cuộc sống, nhưng dù sao, ông cũng mong một điều gì đó xảy ra, để khích lệ bọn trẻ, và chính cả ông nữa.
Sinh hoạt với nhóm trẻ được hai năm nay, ông hiểu chúng rất rõ, mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, nói chung rất đáng thương. Đa số đều mồ côi, hoặc giả nếu còn cha hay mẹ, thì cũng rất nghèo khổ, không thể nuôi chúng qua ngày nổi, chứ chưa nói đến chuyện cho ăn học. Ông tình cờ gặp Tuấn lần đầu tiên trước một quán nước nhỏ. Gia đình Tuấn đã không còn ai, nghe nói ba Tuấn trước đây đã đi bộ đội và qua đời mấy năm trước. Mẹ Tuấn đã mất khi cậu bé mới có hai tuổi, Tuấn không có người thân, chính vì vậy, mới mười tuổi đầu, Tuấn đã phải tự nuôi sống bản thân mình bằng nghề bán báo dạo. Thầy Truyền đạo làm chứng về Chúa cho Tuấn, ông kể về tình yêu thương vĩ đại của Đức Chúa Trời, Ngài là “Cha của kẻ mồ côi” mà. Tuấn cho biết, trước đây, gia đình mình cũng đã tin Chúa, nhưng sau khi ba mất, Tuấn hoàn toàn mất phương hướng và không còn đi nhóm lại nữa. Hôm đó, ông đã dẫn em về sống dưới mái ấm tình thương, ngôi nhà dành cho đám trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà Hội Thánh đang cưu mang…


Chiều tối hôm đó, một người đàn ông lạ đến thăm Thầy Truyền đạo. Ông nói rằng, ông trước đây là một tín hữu của Hội Thánh, thời gian sau này đã định cư tại nước ngoài. Lúc sáng, ông có nghe nói về một cái ca inox cũ mà một đưa trẻ đã dâng, ông xin phép được xem nó.
Khi cầm chiếc ca trong trong tay, người khách lạ bồi hồi, xúc động nói:
-        Đúng là chiếc ca đã cứu mạng tôi và bạn tôi rồi.
Hóa ra trước đây, ông cùng đơn vị với ba của Tuấn trong quân ngũ. Hai người trở nên thân nhau khi biết người kia cũng là một người con Chúa. Họ thân thiết với nhau như anh em, và những khi gặp nhau, đều động viên nhau sống cho thật tốt, giữ gìn đức tin cho dù hoàn cảnh có như thế nào.
Trong một lần bị địch tập kích, lúc đó ông đang bị đau và được ba Tuấn săn sóc, cho uống nước. Một viên đạn đã tình cờ bay trúng chiếc ca, nó đã cứu mạng của cả hai người. Họ đã quì gối cầu nguyện cảm tạ Chúa, và xem chiếc ca lủng đó như là một kỷ vật của tình bạn giữa hai người.
Kể từ khi ra nước ngoài, ông đã không còn liên lạc gì với người bạn cũ. Đây là lần đầu tiên về thăm quê hương, ông rất buồn vì người bạn thân đã qua đời, nhưng cũng rất vui khi biết được Tuấn, con của người bạn vẫn còn tin Chúa. Ông cũng rất biết ơn Tuấn, dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn gìn giữ kỷ vật của cha, cho dù em có thể bán nó đi bất cứ lúc nào cho những người mua bán ve chai.
Suy nghĩ một lúc lâu, ông nói với Thầy Truyền đạo:
-        Điều này, tôi xin Thầy giữ kín cho đến khi hoàn thành. Trước mắt, tôi xin dâng một ít tiền, vì thật ra, bản thân tôi cũng không khá giả lắm. Khi tôi về lại bên kia, tôi sẽ thưa với Hội Thánh, vận động các bạn bè, hy vọng sẽ có đủ để giúp cho việc xây dựng nhà nguyện. Xin Chúa cảm động lòng họ, thấy được tâm tư, tấm lòng của mấy đứa trẻ, để sớm có đủ kinh phí và bắt tay vào việc trong thời gian sớm nhất. Bây giờ, tôi với Thầy cùng đi thăm cháu Tuấn và những người bạn của nó…

Thầy Truyền đạo trong lòng như được mở một nút thắt lớn. Những điều đã xảy ra với ông có thể không giống hoàn toàn với những gì ông đã kể cho bọn trẻ, nhưng rõ ràng, Chúa đã thấy nổi lòng của ông và bọn trẻ, Ngài đã điều hướng mọi sự thật tốt lành. Ông cảm tạ Chúa, và sẽ báo tin vui này cho mấy đứa trẻ, à, mà cũng chưa báo được, vì như lời người kia, phải giữ kín cho đến khi hoàn thành. Thôi thì, cũng đành chấp nhận vậy, nhưng ông tin chắc một ngày không xa, tin vui sẽ đến với Hội Thánh, với bọn trẻ, vì Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng đầy lòng yêu thương và vô cùng giàu có mà…

QUÉT NHÀ


Ngày 09/10/2015
Vũ Hướng Dương
 

Ngày xưa, ngoại tôi là một người cực kỳ kỹ tính. Nói là “cực kỳ”, vì trong bất cứ việc gì, bà cũng đòi hỏi mọi người làm một cách tỉ mĩ, cẩn thận. Lúc tôi còn nhỏ, khoảng mười mấy tuổi đầu, một lần về nghỉ hè, ngoại bảo tôi quét nhà. Tôi thì cứ quét theo cái kiểu “lấy lệ” của mình. Nhưng ngoại tôi không bằng lòng chút nào, ngoại bắt tôi quét lại, rồi chỉ cho tôi từng góc nhỏ trong nhà, gầm bàn, gầm tủ…, mọi nơi đều phải moi móc cho sạch sẽ. Ngoại nói, quét nhà thì phải quét cho sạch, như vậy mới hết rác. Và tôi nhận được một bài học kinh nghiệm quí báu, đó là, ngôi nhà ngày càng sạch sẽ hơn, khi mỗi lần chúng ta quét dọn thật kỹ càng.

Bây giờ, mỗi lần quét nhà, tôi lại nhớ đến những gì ngoại đã dặn ngày xưa, thấy cũng thấm thía, về cả hai mặt, nghĩa đen và nghĩa bóng.

Về nghĩa đen thì không cần nói, nhưng nghĩa bóng thì tôi mãi không quên và cầu nguyện với Chúa cho tôi biết áp dụng nó hằng ngày.

“Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành-tín Ngài là lớn lắm.” (Ca thương 3:23)

Muốn mỗi ngày, đời sống tâm linh được mới mẻ, tất nhiên phải có Lời Chúa hướng dẫn, và muốn được Chúa ngự vào lòng, chúng ta cũng nên dọn ngôi nhà tâm linh chúng ta cho sạch sẽ, gọn gàng, không rác rưởi. Hãy suy nghĩ về ngày hôm qua, những việc làm, những lời nói, những được-mất, những thành công-thất bại. Những gì cần thiết loại bỏ, hãy dứt khoát, đừng chần chừ, vì nó hoàn toàn không có ích chúng ta. Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta một ngày mới, có thêm sự khôn ngoan, thông sáng từ Chúa ban cho để mỗi ngày rác rưởi càng ít đi.


Một ngày mới sẽ bắt đầu thật sự vui vẻ với ngôi nhà mới sạch sẽ, khang trang, đó cũng là một khởi đầu cho những công việc có ích cho Nhà Chúa, đem lại sự khích lệ cho nhiều người.

QUẲNG GÁNH LO ÂU

Ngày 01/10/2015
 

 “Người dẫn chương trình giơ cao một ly nước và hỏi khán giả:

- Quí vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?

- Điều đó còn phụ thuộc vào anh cầm nó trong bao lâu chứ.

- Đúng vậy, nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quí vị sẽ gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta cũng gục ngã. Điều quí vị phải làm là đặt ly nước xuống, nghỉ một lát rồi tiếp tục cầm nó lên.

Thỉnh thoảng chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Khi bạn trở về nhà, hãy quẳng lo âu về công việc ngoài cửa. Ngày mai bạn sẽ nhặt nó lên và tiếp tục mang. Còn bây giờ: Giải trí và thư giãn!”

Chúa Giêxu từng phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Phúc Âm Mathiơ 11: 28-30)

Lời mời gọi của Chúa Giêxu thật diệu kỳ, Ngài có sẵn những chương trình, phương cách để giúp chúng ta thoát khỏi những gánh nặng và nỗi lo âu luôn đeo bám chúng ta hằng ngày.


Là con người, ai trong chúng ta không có gánh nặng? Hãy trao cho Chúa. Chỉ có Ngài mới làm được việc này chứ không ai khác, bởi Ngài chính là Đức Chúa Trời Toàn năng. Thật là một điều kỳ diệu. Vậy, bạn còn chần chờ gì nữa?

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

NHỮNG BẬC THANG

NHỮNG BẬC THANG
Ngày 17/09/2015
Vũ Hướng Dương


Một buổi chiều lang thang trên thành phố Đà Lạt. Khu chợ trung tâm với những bậc thang cấp lên xuống như một lời mời chào, lẫn một lời thách thức cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp của thành phố.
Bước lên mấy mươi bậc thang cấp, tôi chợt nghĩ đến những người dân nơi đây, hằng ngày đi lên, xuống hoài, chắc sức khỏe phải tốt lắm. Tôi đã nhìn thấy những cụ già bước đi khá vững chải trên bậc thang, điều mà những người ở thành phố chắc cũng hơi vất vả.
Tự nhiên tôi liên tưởng đến cuộc sống của mỗi người. Nếu mỗi ngày chúng ta đều đón nhận những bậc thang thử thách, chắc chắn chúng ta sẽ rất cứng cáp. Cuộc đời theo Chúa cũng vậy, nếu cứ bình bình, bằng phẳng mãi thì làm sao mà trưởng thành được. Cần phải có những thăng trầm, thử thách, vượt qua nó, chúng ta sẽ trưởng thành hơn. Nói một cách lãng mạn, chính những điều đó tạo nên những nét đẹp của một đời sống Cơ Đốc, thể hiện được sự trông cậy vào Chúa Thành tín, và cứ mỗi lần vượt qua thử thách, chúng ta lại được thêm sức mới từ Chúa ban cho, thêm một lần vững vàng đức tin, thêm một lần gần Chúa hơn.
Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” (Êsai40:31)
Hãy mạnh dạn bước qua những bậc thang thử thách, cuộc đời của bạn sẽ được đổi thay.
VŨ HƯỚNG DƯƠNG

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

NỘI NGHÈO

NỘI NGHÈO
Sau những năm tháng bôn ba nơi đất khách quê người, ba tôi lại đem cả cái gia đình nhỏ xíu gồm 5 con người, trở về quê nội. Đây là lần đầu tiên tôi được vềQuảng Nam, bởi lúc còn ở Quảng Trị, Huế,… tôi chỉ gặp được các cô, chú hoặc thím ra thăm, chưa được một lần gặp nội.
Nhà nội không rộng, nhưng khu vườn thì lớn lắm. Ở thành phố thì không thể nào có được một khu vườn như vậy. Tuy không có nhiều cây trái, nhưng chỉ với vài chục cây nhãn, ổi, mít, mãng cầu, trứng gà (lêkima)… cũng đủ làm cho ba chị em chúng tôi thấy vô cùng hấp dẫn rồi. Chiều chiều, mấy chị em chúng tôi cứ ra vườn “ngắm cảnh”, nói thì cho văn vẻ như vậy, chứ ai nấy cũng chỉ chăm nhìn lên trời mà thôi, xem thử có trái nào chín chưa, đặng mà hái. Thằng cu Em thì nghịch ngợm hơn, không những ăn trọn những trái ổi xá lị ngon lành, mà những chùm nhãn chín trên cao, một mình nó cũng hưởng hết, ăn nhưng còn để nguyên vỏ, nguyên chùm, đến khi người khác hái xuống mới hỡi ôi, ai cũng tưởng là dơi ăn…
Nhà của chúng tôi ở chính giữa vườn, nội ở một mình trong ngôi nhà phía gần cổng, để cho tiện việc đi chợ búa. Nội nói vậy, chứ ba tôi thì bảo, từ khi ông qua đời, nội muốn ở một mình cho thanh thản. Ba tôi còn nói, nếu như ngày xưa, thời phong kiến, thì nội đã được tặng danh hiệu “Tiết hạnh khả phong” rồi, vì nội vẫn sống nuôi con cho đến ngày khôn lớn, cho dù hồi ông nội mất, bà vẫn còn rất trẻ.Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chưa hiểu gì nhiều, chỉ đoán rằng, đó là điều gì thật là vinh dự lắm.
Nội là người rất tiết kiệm, mà tôi lại cho rằng, chỉ những người nghèo mới tiết kiệm như vậy. Hôm đầu tiên, khi ăn cơm xong, vừa thấy tôi để chén xuống, nội liền cầm lấy, và ăn sạch những hạt cơm tôi còn bỏ sót. Nội nói, bỏ phí một hạt cơm là có tội đấy con, người ta cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt ra, mới có được hạt gạo cho mình ăn. Chúa cho mình dù không giàu có hơn người khác, nhưng cũng có miếng ăn ngày ba bữa, vì vậy, không nên phung phí… Đôi ba lần như vậy, khiến tôi chột dạ và làm theo, tuy rằng cũng chưa ý thức được những điều nội dạy, nhưng tôi vẫn thấy hay hay.Kể từ đó, chén cơm của tôi bao giờ cũng sạch sẽ trước khi bỏ xuống, và cho đến mãi bây giờ, tôi thầm cảm ơn nội đã dạy tôi điều ấy.
Mỗi lần nội mua gì về cho cả nhà ăn, ba tôi thường dặn, đừng có khen ngon. Lúc đầu, tôi cũng không hiểu được ý của ba. Hôm đó, nội mua rau sống ở chợ đem về.Rau nhà quê không thuốc, không hóa chất nên màu sắc xanh tươi, hương vị rất thơm. Cả nhà ăn rất ngon lành và tôi buộc miệng nói với nội, con chưa bao giờ thấy rau ngon như vậy. Thế là hai hôm sau, nội lại mua rau nữa, nhưng lần này nhiều gấp đôi lần trước, khiến cho cả nhà ăn mệt nghỉ. Ba thì cười cười, nhìn tôi và trách, cái thằng thiệt!... Vậy là bây giờ tôi mới hiểu được ý của ba nhắc nhở tôi lúc trước.
Nội nghèo, vì bữa sáng, tôi chẳng bao giờ thấy nội ăn bún, bánh mì như chúng tôi, mà chỉ thấy cơm hoặc khoai nấu (có nơi người ta gọi là khoai luộc). Những củ khoai lang to bằng cả bàn tay, bột rất nhiều, nội nói đó là khoai lang Trà Đõa. Tuy ăn ngon, nhưng chúng tôi chỉ thử vài ba lần thôi, chứ ăn “quanh năm suốt tháng” như nội thì đành bó tay. Tuy vậy, lâu lâu, có gì ngon, nội cũng luôn để dành cho mấy chị em chúng tôi, nhất là thằng cu Em, vì nội thương nó nhất, út mà.
Tôi nghe ba nói, ngày xưa, nội rất giàu, đất nhiều, xây vài ba chục căn nhà để cho người ta thuê, cả một dãy phố dài. Hồi đó, tuy giàu, nhưng nội sống rất giản dị, nội thường dạy con cháu, khi mình có, cũng đừng sống quá hoang phí, biết đâu sau này, gặp lúc khó khăn thì mình vẫn có thể chịu đựng được. Có lẽ ba má chúng tôi và các cô chú đều chịu ảnh hưởng của nội, nên ai nấy cũng đều sống rất đơn giản…Tôi hỏi ba, vậy gia tài của nội đâu (đúng hơn là “kho báu” vì hồi đó chúng tôi hay dùng từ này). Ba tôi cười, thì dùng để nuôi ba và mấy cô chú ăn học, chắc còn lại là để dành cho tụi con đó.
Nghe ba nói, ông bà nội tin Chúa từ hồi chiến tranh, khi tình cờ gặp được một người bạn đi phát truyền đạo đơn cho đồng bào. Gặp lại bạn cũ, nội tôi mời ông ấy về nhà nghỉ lại, chỉ một đêm nói chuyện, sáng ngày, ông nội kêu hết mọi người trong gia đình tuyên bố, từ nay ông theo đạo của Chúa Giêxu. Bà nội tôi thì phản đối kịch liệt vì sợ ông bà không ai thờ cúng. Tuy nhiên, bị người bạn của ông nội thuyết phục, cuối cùng bà cũng chấp nhận đi nhà thờ một cách miễn cưỡng, vì lòng thương yêu chồng.
Ông nội tôi rất sốt sắng, được bầu làm Thư ký Hội Thánh trong thời gian dài, nhưng về sau, do có nhiều bất đồng trong Hội Thánh, ông lại sống một cuộc đời cô lập, ít giao tiếp với ai. Ba tôi nói, ông nội rất “trực tính”, thấy gì không vừa ý là ông nói ngay. Thời đó, nhiều tín hữu vẫn còn non nớt, hay dùng bia để đãi tiệc trong gia đình. Họ nói, sống với thế gian, phải hòa đồng thì mới có cơ hội làm chứng cho người ta. Nội tôi thì không đồng ý. Chính vì vậy, ông thường không đến dự những bữa tiệc có đãi biacủa tín hữu trong Hội Thánh. Vị quản nhiệm cũng vì vị nể những người khác, nên không có biện pháp mạnh mẽ, không những vậy, ông cũng không ngăn cấm con cháu trong gia đình. Nội buồn lắm, tuy vẫn giữ sự nhóm lại cùng Hội Thánh, nhưng sự nhiệt thành buổi ban đầu đã không còn.
Sau khi ông qua đời, bà nội rất hụt hẩng. Mọi người trong Hội Thánh cứ tưởng rằng, nội tôi sẽ “rớt” luôn. Mà thật vậy, một thời gian dài, hầu như nội không tiếp xúc với ai, chỉ đi nhà thờ rồi về. Tuy vậy, nội không bỏ qua một buổi nhóm nào của Hội Thánh. Rồi một hôm, nội nghe được bài giảng của vị Mục sư mới về quản nhiệm Hội Thánh, nội như bừng tỉnh. Ba tôi cũng chỉ nghe kể lại, hình như vị Mục sư đó nói về tinh thần hầu việc Chúa của mọi người. Cả Hội Thánh như bừng tỉnh sau bài giảng, và đặc biệt ở nội tôi. Tất cả những mặc cảm xưa kia hầu như đã không còn tồn tại, nội đã khóc, ăn năn với Chúa, tự hứa sẽ nổ lực rao giảng Tin lành để bù lại những năm tháng yếu đuối của mình. Từ đó, nội tham gia vào Ban Chứng đạo, hằng tuần, bỏ ra vài ba ngày, cùng mọi người đi phát truyền đạo đơn, làm chứng về Chúa cho mọi người. Hồi xưa, ba tôi kể, nội và mấy cụ chỉ đi bộ, vậy mà đã dẫn dắt được cả trăm người về với Chúa. Sau này, khi tuổi đã cao, nội trở về với nếp sống cũ, buôn bán qua ngày. Nhờ có nội, mà cả gia đình chúng tôi, vẫn thịnh vượng về thuộc thể lẫn thuộc linh, con cháu, dâu rể, đều vẫn giữ được niềm tin trong Chúa, tuy rằng đức tin mạnh yếu có khác nhau, nhưng không một ai bỏ Chúa.Trong những người con, nội thương ba tôi nhất, không phải vì ba tôi là trưởng nam, mà vì ba tôi hay đi làm xa đây đó, ít khi được về gần nội. Khi ba má tôi qua đời, nội gần như sụp đổ tinh thần. Nội sống lặng lẽ hơn, nhưng lại chăm chút cho mấy chị em chúng tôi nhiều hơn. Nhờ có nội mà chúng tôi yên tâm học hành đến nơi đến chốn, nội đã lo cho ba má tôi, nay lại đến lượt lo cho chúng tôi. Điều tôi nhớ nhất, đó là lời dặn của nội, làm gì thì làm, nhưng tuyệt đối không được bỏ Chúa, bỏ Chúa là mất phước. Chỉ mấy lời, nhưng tôi biết, đó là một kinh nghiệm được đúc kết từ bao đời, từ hồi ông nội tôi đến bây giờ.

Hồi trước, ở đầu làng, có một ngôi nhà thờ, vắng bóng người đã lâu. Quản nhiệm không có, nên mọi người phải lên nhà thờ trên huyện mà thờ phượng Chúa. Chỉ có chú Tám là chịu khó ở lại, giữ nhà thờ, chăm sóc vườn cây, dựng lại hàng rào, thành thử nó cũng không đến nổi hoang tàn. Đến khi Giáo hội cử một Thầy Truyền đạo trẻ về, cả Hội Thánh như có luồng sinh khí mới, ai nấy đều trở nên sốt sắng lạ thường, hăng hái, nhiệt tình và hết lòng thờ phượng Chúa. Tất cả già trẻ, lớn bé trong làng, đi nhóm lại cũng được gần trăm người. Nhiều nhà lâu nay không đi nhóm, nay cũng “tự nhiên” mạnh mẽ trở lại. Nội tôi cũng vui lắm, vì những ngày trước, muốn đi nhà thờ phải nhờ con cháu chở; nay thì không cần, chỉ cần đi bộ cũng tới được. Sáng Chúa nhật nào, con đường làng cũng trở nên đông vui hơn mọi ngày. Thường ngày, mọi người vác cuốc, dắt trâu ra đồng, còn hôm đó, ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ để đến nhà thờ.
Ngôi nhà thờ trong làng được xây dựng cũng trên 50 năm rồi, nên bây giờ đã xuống cấp trầm trọng. Hội Thánh vận động tín hữu dâng hiến để thay mái ngói, sửa lại tư thất và khuôn viên nhà thờ. Nội tôi có lẽ là người tích cực nhất. Bỏ cả việc buôn bán ngoài chợ, suốt cả tháng trời, nội không về nhà, ở lại luôn nhà thờ đểdâng công.Nội nói, nội già rồi, không làm được việc gì thì cũng nấu được miếng nước cho người ta uống, đi chợ mua đồ về cho họ ăn… Hết “chiến dịch”, hình như nội lại khỏe hơn xưa rất nhiều. Tôi thấy nội vui hẳn lên. Nội nói, người chết không đem theo được gì hết, nên dâng cho Chúa là việc phải làm, vì nghĩ cho cùng, mọi sự mình có đều là của Chúa ban cho, với cơ nghiệp, con cháu thành đạt như hiện nay, nội đã thỏa lòng, không mong gì hơn.
Giáng sinh năm đó, sau khi đi nhà thờ về, nội nằm nghỉ trên tấm phản nhỏ. Khoảng 15 phút sau, lúc cô, chú tôi vừa về đến nhà, thì nội đã không còn. Nội ra đi mà không chút ốm đau. Hàng xóm nói là nội tôi có phúc, không làm phiền con cháu. Mấy chị em chúng tôi ở xa về, chỉ gặp mặt được nội lần cuối, khi nội không còn biết gì nữa, nhớ lại mà thật xót lòng.
Nội qua đời, chẳng để lại một chút gì,trong tủ củanội cũng chỉ có một ít tiền lẻ mà thôi. Không nói ra, nhưng trong nhà, ai cũng ngạc nhiên, không ngờ nội lại nghèo quá vậy. Theo nguyện vọng của nội, tang lễ cũng được cử hành khác đơn sơ, gọn gàng. Khi làm lễ, Thầy Truyền đạo rất xúc động khi nói về tấm lòng của nội. Không chỉ dâng công, nội còn dâng khá nhiều tiền, có thể nhiều nhất trong Hội Thánh, nhưng yêu cầu không cho ai biết cả. Đó là tiền để dành của nội bao nhiêu năm nay, bởi trước đây nội rất giàu mà, ba tôi thường nói vậy.
Nhưng đó cũng chưa phải là chuyện bất ngờ nhất.Mấy ngày sau, có rất nhiều người lạ đến thăm nhà chúng tôi. Họ là những người buôn bán với nội ở chợ, hoặc quen biết từ những Hội Thánh xa. Hóa ra, trong những năm qua, nội đã dùng tiền dành dụm của mình giúp cho những người đó trong những lúc khó khăn. Nay, họ đến chia buồn và gởi lại một phần tiền mà nội đã giúp ngày trước. Tôi nghe chị Hai nói, tổng cộng số tiền lên đến mấy chục cây vàng.

Chiều đó, thằng cu Em hỏi chị Hai tôi:
-         Sao nội cho người ta mượn mà không có sổ ghi chép chi hết rứa chị?
Chị Hai tôi cười:
-         Thì tính nội mà, không biết à. Hà tiện với mình, nhưng lại rộng rãi với người khác.
-         Rứa thì chắc còn nhiều người khác thiếu tiền nội mà không trả.
-         Ai biết, nhưng bà không quan tâm thì mấy chị em mình quan tâm làm chi. Cho đi là không luyến tiếc.
Câu nói của chị Hai có vẻ hơi văn vẻ, nhưng tôi thấy cũng có lý. Tôi hỏi:
-         Rứa bà nội giàu hay nghèo hả chị?
Chị Hai tôi ngẫm nghĩ rồi nói:
-         Nghèo thì cũng có, mà giàu thì cũng có.
-         ??
-         Nội sống rất nghèo, nhưng lại giàu lòng thương người. Trên đất này nội là người nghèo, nhưng chắc chắn nội là người giàu có trên thiên đàng.
Vâng, nội là người giàu có trên thiên đàng. Tôi ước ao sau này, mình cũng sẽ được như nội, có khó không nhỉ. Nhưng nội đã làm được thì tôi cũng sẽ cố gắng.


Vũ Hướng Dương

NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ

NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, có thể nó không đặc biệt lắm, vì tôi nghĩ đã có rất nhiều chuyện như thế xảy ra rồi.Tuy nhiên, tôi vẫn viết lên, để bày tỏ lòng biết ơn Chúa. Lời Kinh Thánh chép: “…Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.” (Giăng 13:1b). Điều đó thật tuyệt vời, nó thể hiện Tình yêu của Chúa thật bao dung, vĩ đại. Và những người như chúng ta, cần sống sao cho xứng đáng với những gì Chúa ban cho, một cách hết lòng.

Đang ngồi làm việc, tôi nhận được điện thoại, số rất lạ. Người đầu dây hỏi:
- Xin lỗi, có phải thầy Dương không?
Nghe tiếng quen quen, nhưng tôi vẫn không nhận ra được là ai. Tôi trả lời:
- Đúng rồi, xin lỗi ai vậy?
- Em đây, em là Thi đây.
Ờ, bây giờ tôi lại nhớ ra rồi, hèn gì mà tiếng nói lại nghe quen như vậy, có lẽ cũng đã năm sáu năm rồi không gặp.
- Sao biết số mà gọi đây?
- Em mất số thầy lâu rồi, hôm trước em có điện cho mục sư, nên bây giờ mới gọi.
Qua trò chuyện, tôi mới biết, hiện nay Thi đang sống tại Đông Hà, bán mì Quảng, có được một đứa con 3 tuổi. Thi nói:
- Lâu quá thầy hỉ, cũng gần mười năm rồi.          
Đúng lả thời gian làm chúng ta đôi khi nhầm lẫn, nhưng tôi vẫn còn nhớ chính xác, không lâu như vậy.

Lần đầu tiên gặp Thi trong lớp học, một cô bé thấp người, khuôn mặt tròn xoe. Sau khi nói chuyện, làm quen, tôi biết được quê Thi ở Duy Hòa, cách nhà thờ Tin Lành Thu Bồn không xa lắm. Khi giới thiệu về Chúa cho Thi, Thi sẵn lòng đón nhận như một người khao khát tìm kiếm Chúa đã lâu. Nói thật, tôi cũng không phải là người có kinh nghiệm làm chứng, nhưng nhờ những lần đi theo các nhân sự, “học lóm” được một số cách biện luận, giải bày chân lý của Chúa, nên bây giờ ăn nói khá suông sẻ. Khi Thi bằng lòng tin nhận Chúa, tôi mời Thi lên nhà thờ Trường Xuân, để nghe Mục sư Võ Đình Đán giải thích thêm về Phúc Âm của Chúa, và Thi đã được Mục sư cầu nguyện tại nhà thờ. Khoảng một tháng sau, Thi lại làm chứng cho bạn mình, Thuận, đồng ý tiếp nhận Chúa.
Tuy nhiên, gia đình Thi thì không chấp nhận điều đó. Một lần đến thăm, khi biết tôi là thầy của em, gia đình tiếp đãi tôi rất tốt, nhưng về mặt đức tin, thì họ hoàn toàn không đồng ý. Chính vì vậy, tôi chưa thể nói ra điều gì, chỉ biết cầu nguyện cho em trong những tháng ngày sống trong sự thử thách này.Tính Thi rất cương quyết, từ khi tin Chúa, đức tin em khá vững chắc. Một lần đám giỗ ở nhà, bà nội bảo em quỳ lạy, em nhất quyết không làm theo, thà chịu bị đánh mà không một lời than vãn. Thấy em không chịu thay đổi, gia đình bèn dùng biện pháp kinh tế, không cung cấp tiền cho em đi học nữa. Khi biết vậy, tôi và Mục sư Đán luôn động viên, giúp đỡ, để em có thểvượt qua thử thách này. Cuối cùng, nhờ sự “gan lì”, em đã thành công. Để giữ em, cả nhà ép em phải có gia đình với một người không tin Chúa. Thời gian này có lẽ là thời gian khó khăn nhất của Thi. Em phải đấu tranh giữa chữ hiếu và đức tin. Mục sư Đán cầu nguyện cho em rất nhiều. Riêng tôi, tôi chỉ mong em, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn giữ được đức tin của mình mà thôi.
Sau ngày ra trường, Thi về quê, chúng tôi không còn liên lạc với nhau, chỉ biết Thi đã có gia đình. Mấy lần đi công tác tại Thu Bồn, tôi dự định ghé thăm gia đình em, nhưng sao lại do dự hoài, cuối cùng cũng qua đi. Bao nhiêu năm không có tin tức, tự nhiên hôm nay lại gặp nhau.

Tôi hỏi:
- Em còn đi nhà thờ không?
Thi cười:
- Ở đây đâu có nhà thờ mà đi hả thầy.
Ờ, mà cũng đúng, bởi Quảng Trị có rất ít nhà thờ. Thi nói tiếp:
- Có mấy lần em đi tìm, mà không thấy có cái nhà thờ mô hết.
Tự nhiên tôi thấy cảm động khi nghe những lời nói như vậy. Đã bao năm rồi mà tấm lòng khao khát Chúa vẫn còn cháy bỏng trong em. Đúng ra, tôi phải chỉ vẽ, giới thiệu cho về một Điểm nhóm, Hội Thánh chứ. Tôi nói:
- Ở Đông Hà, có một Điểm nhóm, nằm trước bến xe. Thầy đã có lần đến đây cùng với Mục sư Đán và Mục sư Trung mà.
- Em có vô Đông Hà mấy lần, hỏi rồi mà không ai biết cả.
- Thôi được, Mục sư Nguyễn Hữu Trung đang phụ trách Điểm nhóm này. Thầy sẽ cho em số điện thoại của Mục sư Trung để em liên hệ. Cố gắng trung tín nhóm lại nhé.
Tôi giở cuốn Niêm giám ra, tìm số Mục sư Nguyễn Hữu Trung, nhắn tin cho Thi. Mong rằng em sẽ liên hệ được với những người con Chúa tại đây, và sớm có cơ hội thờ phượng Chúa trở lại.
Sau này tôi mới biết, Điểm nhóm tại Đông Hà cũng tạm dừng, vì đa số tín hữu đã đi làm ăn xa, không còn mấy người ở lại. Tôi rất cảm động về tấm lòng của Thi, bao năm xa Hội Thánh, không có nơi thờ phượng Chúa, vậy mà Thi vẫn âm thầm lên mạng, nghe bài giảng, nghe các chương trình Phát thanh Tin Lành. Rồi một hôm, em vào website của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (httlvn.org), tìm được số điện thoại của Mục sư Võ Đình Đán, thành thử mới liên lạc được với chúng tôi.
Và thật vui, tôi nghe Mục sư Đán kể lại, trong chuyến công tác ra Quảng Trị, ông đãgặp được Thi.Thấy Mục sư Đán, em cứ ôm ông mà khóc. Dù chồng là người chưa tin Chúa nhưng cũng không ngăn cản Thi thờ phượng Chúa, tuy vậy, ở một nơi không có Hội Thánh Chúa thì thật là thiệt thòi cho em. Nghe nói, Mục sư Trung có mời em xuống nhóm cùng Hội Thánh Cửa Việt, nhưng tôi biết từ nhà Thi xuống đó khá xa, không hiểu có thuận tiện không. Chỉ mong sao em có điều kiện để gìn giữ đức tin thật tốt và có thể làm chứng cho những người thân của mình tin nhận Chúa.

          Nói gì bây giờ nhỉ. Tôi chỉ biết cúi đầu cảm tạ Chúa vì Ngài đã không quên Thi, cho dù hoàn cảnh có khó khăn. Bao nhiêu năm sống trong điều kiện xa Hội Thánh Chúa, vậy mà em vẫn giữ được đức tin, thật là một điều đáng quí. Bây giờ thì không phải chúng tôi, mà chính đời sống đức tin của em lại khích lệ chúng tôi, mạnh mẽ hơn nữa trên bước đường làm chứng, Chúa luôn đồng hành với những người Ngài yêu thương trong mọi lúc, mọi nơi. Và Ngài đã cho chúng tôi thấy điều đó một cách rõ ràng.

Vũ Hướng Dương


CHIẾC NHẪN CƯỚI

CHIẾC NHẪN CƯỚI
Đôi nhẫn cưới tuyệt đẹp của anh chị đó. Có nó rồi, cần chi mua nhẫn vàng. Nhẫn vàng có sánh được với nhẫn của Chúa cho không? Bây giờ, anh chị còn có nhiệm vụ giữ gìn mấy chiếc nhẫn cưới này, làm cho nó ngày càng thêm giá trị…


Đang ngồi ăn cơm, Duyên bỗng hỏi:
-         Ủa, nhẫn cưới anh đâu rồi, bộ tính làm trai tân nữa sao?
Tôi nhìn qua, thấy trên tay anh Hải không còn chiếc nhẫn cưới nữa. Anh Hải cười, gãi đầu, có vẻ lúng túng. Duyên thấy vậy, có vẻ hơi ngượng vì hỏi không tế nhị.
Tôi nói:
-         Thôi ăn cơm đi, đừng hỏi tầm bậy nữa. Có mấy khi anh Hải đến chơi…
Anh Hải cười:
-         Không có chi đâu. Nhưng mà, với hai đứa, anh mới nói nghe, giữ bí mật dùm anh.
Hai đứa  tôi dạ.
-         Thật ra anh chị đâu có nhẫn cưới.
-         Vậy chiếc nhẫn hôm trước…
-         Thì là mượn của người bạn thôi, nó thấy mình không có nhẫn nên làm hai chiếc cho mượn. Xong đám cưới khoảng một tháng sau thì trả cho nó, kẻo lỡ làm mất thì khổ.
Duyên hỏi:
-         Hổng lẽ…
-         Ừ, thì anh đâu có tiền. Tiền nhận nghỉ việc đâu có bao nhiêu, chi ra lo làm đám cưới rồi, đâu có nghĩ tới nhẫn nhiếc chi đâu. Gần tới ngày, nghe mọi người nói, anh mới nhớ.
-         Sao anh không nói với chị Hoa, nhà chỉ khá giả mà?
-         Bậy, nói vậy chứ mình cũng phải giữ sĩ diện một chút chứ. Chị Hoa thì có thể thông cảm, chứ những người khác thì ai mà biết được. Không khéo họ lại khinh mình thì mệt.
-         Vậy, đám cưới xong, trả nhẫn cho người ta, chị Hoa có nói gì không?
-         Chỉ không nói mới lạ, cằn nhằn cả tuần. Nhưng rồi thôi, chỉ cũng biết anh khó khăn chứ đâu như nhà chỉ. Nói ra cũng sợ, ồn ào thành thử làm thinh… Lâu rồi thành thử cũng quên đi mất.


Hồi chúng tôi mới về lại thành phố thì đúng là vất vả thật. Ở núi rừng khá nhiều năm, nhưng khi nghỉ việc, tiền trợ cấp cũng không có bao nhiêu. Tôi thì dù sao đi nữa cũng có hai bên nội ngoại, nên không đến nổi nào, còn anh Hải thì chỉ một thân một mình, chính vì vậy mới có tình trạng này. Anh Hải còn kể cho tôi nghe, trước khi tổ chức lễ cưới, mục sư còn hỏi anh có nhẫn để trao nhau trong hôn lễ không, nếu không thì ông sẽ cho hai người cầm tay nhau để kết ước. Chuyện không dừng ở đó, vì biết anh Hải ít tiền nên bạn bè đều kéo đến giúp đỡ. Thời bấy giờ, thường thì  tổ chức tiệc ở nhà cho nên cần phải dựng rạp, thuê bàn ghế, chén dĩa, thậm chí phải đi mượn quạt chứ không thì nóng chịu không nổi. Anh Hải nói với bạn bè, vì anh chỉ có một mình nên mọi người thông cảm, ai đem cho mượn cái gì thì xong đám, nhớ đem về dùm, anh không đi trả được. Chính vì vậy, khi tàn tiệc đám cưới, họ tự dọn dẹp và đem về luôn, thật khỏe cho cô dâu và chú rễ.


Những năm sau này, anh Hải và chị Hoa làm ăn cũng dần ổn định. Hai bé Vũ, Âu cũng đã lớn, ngoan ngoãn, học giỏi, dễ thương ra phết. Một lần ghé thăm anh chị, lúc hai anh em ngồi uống cà phê, tôi nhìn thấy anh vẫn chưa đeo nhẫn cưới. Tôi hỏi:
-         Kỳ rày làm ăn cũng đỡ rồi, sao anh không mua nhẫn cưới để làm kỷ niệm, bù lại hồi xưa chứ!
-         Bây giờ thì mua cũng được, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh chị quyết định không mua.
-         Không mua, chị Hoa đồng ý hả?
-         Chứ sao, nhẫn cưới của anh chị bây giờ có rồi, chú không thấy hả? Nó rất đẹp, xinh xắn, dễ thương lắm.
Tôi thật tình không hiểu, anh Hải nói về nhẫn cưới mà như nói về một con người. Anh Hải cười:
-         Không hiểu hả, hai đứa hắn đó. Anh chỉ về Vũ và Âu. Đôi nhẫn cưới tuyệt đẹp của anh chị đó. Có nó rồi, cần chi mua nhẫn vàng. Nhẫn vàng có sánh được với nhẫn của Chúa cho không? Bây giờ, anh chị còn có nhiệm vụ giữ gìn mấy chiếc nhẫn cưới này, làm cho nó ngày càng thêm giá trị…
À, thì ra vậy. Hóa ra mỗi cặp vợ chồng đều có những chiếc nhẫn cưới quí giá mà Chúa ban cho, mà không phải ai cũng nhận biết được điều này. Cảm ơn anh Hải, đã nhắc nhỡ cho tôi bài học đó. Bây giờ tôi cũng đã có được đôi nhẫn cưới quí giá ấy rồi, còn bạn thì sao?
Vũ Hướng Dương







VUI MỪNG TRONG CHÚA

VUI MỪNG TRONG CHÚA




Trong những cảm xúc của con người, thường được chia làm 2 trạng thái: tiêu cực và tích cực. Những cảm xúc tiêu cực thường đem lại những điều không hay: Buồn chán, Thù ghét, Tức giận, Sợ hãi …Ngược lại, những cảm xúc tích cực, tất nhiên đem lại cho con người nhiều niềm vui: Thích thú, Yêu thương, Hưng phấn, Tự tin…

Chính vì vậy, nói đến “Vui mừng trong Chúa”, chính là chúng ta nói đến những cảm xúc tích cực như trên.

Nhiều người nói, “Vui mừng trong Chúa” là điều dĩ nhiên đối với mọi Cơ Đốc nhân, bởi một khi đã bước vào Nhà của Chúa, họ đã trở nên là con của Ngài, được Chúa làm chủ đời sống mình, nhận được sự phước hạnh từ Chúa ban cho. Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại, con dân Chúa hiện nay có thực sự hoàn toàn “Vui mừng trong Chúa” không? Nếu họ có một đời sống thỏa vui trong Chúa với những niềm vui bất tận, thì có lẽ sẽ không có tình trạng số tín hữu thì đông, mà đi nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa nhật thường chỉ khoảng một phần ba; hoặc những hiện tượng vẫn diễn ra thường xuyên vào mỗi mùa Giáng sinh: tín đồ Noel…

1/ “Vui mừng trong Chúa” là vui mừng mãi mãi.
Một bài nhạc vui tươi, sinh động, không phải là bài nhạc luôn chỉ có những giai điệu rộn ràng, tiết tấu nhanh, nhưng cũng cần có thêm những dấu lặng, nốt trầm, đảo phách… để tạo ra một sự đối nghịch nào đó, nhằm làm nổi bậc chủ để chính mà tác phẩm âm nhạc muốn thể hiện. Một cuộc đời “Vui mừng trong Chúa” của một con dân Chúa không chỉ là những niềm vui, mà cần phải có những giây phút đối diện và vượt qua những thử thách, những thăng trầm trong cuộc sống, và chính những điều đó làm cho cuộc đời của họ thêm giá trị, tình yêu Chúa càng thêm vững vàng.

Thơ Hê 12:11 đã phán: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy”.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta được thử thách, để qua đó, chúng ta sẽ hưởng được bông trái của sự công bình và bình an, đây là điều rất cần thiết cho đời sống mỗi người con Chúa.

Chính Chúa Giêxu cũng đã từng phán: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” (Mat 16:24). Thập tự giá ở đây không chỉ là một cái giá bằng gỗ đóng theo hình chữ thập mà chính là những sự sỉ nhục, đau đớn mà Chúa đã phải gánh chịu khi hạ thế làm người, chịu tội thay cho nhân loại.

Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia-cơ 1:2-4)

Đời sống “Vui mừng trong Chúa” cần phải có sự thể hiện bền bỉ về mặt thời gian và không gian. Không phải chỉ vui mừng vào Chúa nhật, trong nhà thờ, mà còn phải nhận được và thể hiện sự vui mừng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Hiện nay có nhiều tín hữu rất sốt sắng trong giờ thờ phượng Chúa, cầu nguyện đầy cảm xúc. Họ hát Thánh ca thật sôi nổi, thăm hỏi động viên tất cả những người gặp gỡ trong nhà thờ. Đó chỉ là Chúa nhật, và chỉ giới hạn trong nhà thờ. Khi bước ra khỏi nhà thờ, họ đã là một con người khác. Những lời cầu thay cho các anh chị em ốm đau, sa sút đức tin, gặp hoạn nạn… hầu như không còn trong tâm trí của họ, bởi họ cũng chẳng biết và nhiều khi cũng không cần để ý đến ông A, bà B nào đó mà họ vừa mới cầu nguyện là ai. Một người con Chúa, có đời sống “Vui mừng trong Chúa” thì chắc chắn sự vui mừng ấy phải được thể hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời điểm nào và bất kỳ nơi đâu. Đó mới là sự vui mừng thật mà Chúa mong muốn.

2/ “Vui mừng trong Chúa” là vui mừng thật sự.
Có người hỏi, vậy không lẽ có sự vui mừng giả à! Phải chân thành mà nói là có, cho dù bản thân tôi muốn nói rằng, không. Chúng ta hiện đã sống thật với những gì có trong lòng chưa, điều đó chỉ có Chúa biết và bản thân mình biết. Nhiều người gặp nhau chào hỏi vui vẻ, nhưng trong lòng luôn có sự dè chừng, sự cay đắng, không thích nhau. Ai cũng biết điều này, nhưng không dám thể hiện cảm xúc thật của mình, vì như thế là “không thiêng liêng”, “không có tình yêu thương”. Chính điều này dẫn đến một lối sống giả hình, khiến đôi khi chúng ta không còn nhận biết được lời nói của anh em mình là thật hay là giả.

Chúng ta nói yêu thương anh em mình, cần phải yêu thương thật sự. Chúng ta không thích anh em mình một điều nào, cần phải lấy tình yêu thương mà giúp đỡ nhau, bất cứ ai cũng có những nhược điểm của mình, đừng bao giờ chủ quan cho rằng mình đúng hoàn toàn, để rồi đổ lỗi cho người khác. Chúng ta nói yêu thương anh em mình, thì những lời cầu nguyện không chỉ đọng lại trong tấm lòng khi còn ở nhà thờ, mà còn cần mang nó đi theo chúng ta trong suốt thời gian còn lại, để với tinh thần “cầu nguyện không thôi” chúng ta luôn nhớ đến họ, và dĩ nhiên cũng cần làm một việc gì đó cho anh em mình chứ không thể nói suông.

Nhiều người, vì sợ mất lòng người khác nên không dám “chê” một lời nào, mà chỉ toàn lời khen.

Lời Chúa trong sách Châm Ngôn đã dạy:
“Lò thử bạc, dót thử vàng; Còn sự khen ngợi thử loài người.” (Châm Ngôn 27:21)
“Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18)

Người nhận lời khen nhiều dễ sinh lòng kiêu ngạo, kiêu ngạo dẫn đến sự bại hoại, đó là điều tất nhiên.

Hãy sống chân thật, vui mừng chân thật thì điều đó mới có ý nghĩa thật sự, như lời Chúa đã dạy: “… Tôi sẽ quên sự than phiền tôi, Bỏ bộ mặt buồn thảm tôi và lấy làm vui mừng.” (Gióp 9:27)

3/ “Vui mừng trong Chúa” là vui mừng được thể hiện.

Trong đêm Chúa giáng sinh, những gã chăn chiên, dù là những người thấp hèn trong xã hội lúc bấy giờ, họ đã thể hiện sự vui mừng bằng những hành động cụ thể:

“Bọn chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình.” (Lu-ca 2:20)
Một người có đời sống “Vui mừng trong Chúa” sẽ luôn bình thản trước mọi thử thách, biết dâng lên Chúa lời cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, sống thật lòng với những gì mình có, và dĩ nhiên cũng phải biết nhờ sức Chúa để thăng tiến trên con đường thuộc linh. Không những vậy, họ còn giúp cho những người khác cùng “Vui mừng trong Chúa”, bằng cách truyền bá Tin Lành.

Sự “Vui mừng trong Chúa” phải được thể hiện trong lời nói, việc làm của chúng ta hằng ngày như Chúa Giê-xu đã dạy: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra.” (Lu-ca 6:45).

Thể hiện việc làm của bạn trong niềm vui đến từ Chúa sẽ giúp cho những trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn… có thêm một nguồn an ủi, động viên. Việc làm của bạn sẽ giúp cho anh em mình, những người sa sút về đức tin, có thêm cơ hội để trở lại cùng Chúa, những người đau ốm trên giường bệnh có thêm tinh thần để chiến đấu cùng bệnh tật, những người đang có gánh nặng lo toan vơi đi nỗi buồn và thấu hiểu tình yêu thương trong Chúa hơn.

Hãy “Vui mừng trong Chúa” cho dù hiện nay bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, đấy chính là cách thể hiện lòng biết ơn Chúa cụ thể nhất. Tất cả mọi người, cho dù bạn là tân Tín hữu, là Chấp sự, là người hầu việc Chúa, đều có chung một bài ca: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi”, và khi bài ca ấy được thể hiện đều khắp, ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi người con Chúa, tôi tin chắc rằng, danh Chúa sẽ được rất nhiều người biết đến, Hội Thánh Chúa vô cùng vững mạnh và phước hạnh Chúa ban cho mỗi người con Chúa ngày càng thêm dư dật.

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi.” (Phi-líp 4:4a)


Vũ Hướng Dương